LƯỢC GHI LỊCH SỬ VÀ TRUYỀN THỐNG DÒNG HỌ NGUYỄN ĐỨC LÀNG TRẦN XÁ XÃ HÀM NINH, HUYỆN QUẢNG NINH, TỈNH QUẢNG BÌNH.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, một trong những người con ưu tú của làng Trần Xá đã từ biệt chúng ta hôm 28/4/2022 để về với tổ tiên ở tuổi 91.
Sinh thời ông là Trưởng họ Nguyễn Đức rất uy tín, có nhiều đóng góp to lớn cho việc duy trì gia phong, nền nếp và phát triển văn hóa đời sống, phong trào khuyến học cho họ lên một tầm cao mới. Ông cũng là người có nhiều đóng góp và tham gia tích cực cho nhiều hoạt động của làng như ủng hộ bộ âm ly, xe đưa đám ma, xây dựng đình, đường sá và các công việc khác của làng.
Để tỏ lòng kính trọng và thương tiếc vì sự ra đi đột ngột của ông, website làng xin giới thiệu đến quý vị và bạn đọc bài viết mang tính nghiên cứu của ông và đồng tác giả Nguyễn Đức Hoàn.
Trân trọng!
BAN BIÊN TẬP

LƯỢC GHI LỊCH SỬ VÀ TRUYỀN THỐNG
DÒNG HỌ NGUYỄN ĐỨC LÀNG TRẦN XÁ
XÃ HÀM NINH, HUYỆN QUẢNG NINH, TỈNH QUẢNG BÌNH.

Chữ rằng “Mộc bản thủy nguyên
Là người phải nhớ Tổ tiên cội nguồn”
Làng Trần Xá là một làng quê nhỏ bé nằm ép mình trầm tĩnh và lặng lẽ dọc hữu ngạn sông Kiến Giang và sông Nhật Lệ, dưới chân núi Đâu Mâu trong dãy Trường Sơn hùng vĩ.
Theo phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn thì từ thời Trịnh – Nguyễn phân tranh (1627-1672) cho đến thời nhà Nguyễn thuộc Pháp đô hộ thì làng Trần Xá là một trong những làng xã thôn ấp của Tổng Trung Quán, huyện Khang Lộc, tỉnh Quảng Bình. Đến trước cách mạng tháng 8/1945. Trần Xá vẫn là một làng thuộc tổng Trung Quán, phủ Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Từ sau cách mạng tháng 8/1945 đến nay trải qua nhiều biến động lịch sử, đến nay làng Trần Xá là một thôn của xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, là địa chí hành chính của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Chưa biết được làng Trần xá có từ bao giờ cũng chưa hiểu cặn kẽ vì sao làng Trần xá còn có tên gọi là Nhà Tràn, nhưng được biết làng Trần Xá cũng như một số làng xã hiện nay còn tồn tại ở Quảng Ninh và Lệ Thủy như Võ Xá, Quảng Xá, Phạm Xá, Lê Xá,…là xuất xứ từ cách tổ chức chính quyền của phương pháp gửi binh, làm ruộng thời phong kiến. Những đơn vị quân gửi lại làm ruộng khi trở thành làng xóm thường lấy tên người chỉ huy để đặt tên làng, nhưng thủ tục người xưa không gọi tên mà lấy họ để tỏ lòng kính trọng. Trần Xá là làng ông họ Trần, Phạm Xá là làng ông họ Phạm,…
Làng Trần Xá đất không rộng, người không đông, phía Tây ven sông Kiến Giang và Nhật Lệ, phía Đông giáp xã Võ Ninh, Duy Ninh, phía Bắc giáp thôn Quyết Tiến, phía Nam giáp làng Trung Quán. Sau nhiều năm biến động lịch sử, đến trước cách mạng tháng 8/1845, toàn thôn chỉ 600 người với 100 hộ và đến nay cũng có khoảng 2000 dân sống quây quần trong diện tích chưa đầy 2 km2 . Từ xưa đến nay, làng Trần Xá là vùng thuần nông không có nghề phụ, có những thời kỳ làm đá, xẻ đá, khai thác rừng cũng vì mục đích mưu sinh trước mắt chứ chưa phải là một nghề được phát triển truyền thống lâu dài. Tuy là một làng quê nhỏ bé, nhưng có nhiều di tích cổ kính. Đình làng to đẹp cổ kính đã bị tàn phá trong thời kỳ tiêu thổ kháng chiến chống Pháp. Nhà thờ, nhà chùa cũng bị tàn phá trong kháng chiến. Nhiều miếu, nghè có tên tuổi như Miếu ông Đội, Miếu Bà, Miếu ông Tiện, Miếu Thần Nông, và Nghè làng cũng đã bị phá hủy những năm sau cách mạng tháng 8. Con đường làng quen thuộc chạy dọc từ đầu đến cuối làng trước đây rải đá nay đã đổ bê tông. Làng Trần Xá có nhiều giếng và hồ. Giếng chùa ở cuối làng, hồ làng ở đầu làng. Đặc biệt có giếng thùng có mạch nước ngầm chảy quanh năm kể cả khi các vùng xung quanh đang hạn hán. Có người cho rằng đó là giếng chàm xây bằng đá rất cổ.
Trải qua nhiều biến động lịch sử, có 20 dòng họ đã từng sống bên nhau quây quần và hòa thuận trên mảnh đất nhỏ hẹp ấy. Dù là họ lớn hay bé luôn luôn thân thương đùm bọc lẫn nhau. Không phân biệt họ giàu, họ nghèo, nhiều phong tục tập quán có ý nghĩa trong cuộc sống của làng quê được duy trì và phát triển.
Dòng họ Nguyễn Đức là một trong những dòng họ lớn của làng Trần Xá. Tất cả các thế hệ hậu duệ của dòng họ Nguyễn Đức rất tự hào đã sinh ra và trưởng thành trên mảnh đất Trần Xá dịu hiền, thơ mộng nhưng cũng rất anh dũng kiên cường trong chiến đấu và lao động sản xuất.
Tộc phả của họ Nguyễn Đức đã ghi nhận cụ Nguyễn Đức My là thủy tổ của dòng họ Nguyễn Đức ở làng Trần Xá. Cụ đã từng khai khẩn đất đai và sinh cơ lập nghiệp vào những năm 1500.
Đời thứ hai sinh hạ được 2 cụ ông là cụ Nguyễn Đức Thặng và cụ Nguyễn Đức Vạn.
Đời thứ ba sinh hạ được 7 cụ (5 cụ ông và 2 cụ bà) nhưng chỉ có 3 cụ ông có con nối dõi tông đường.
Đời thứ 4 sinh hạ được 7 cụ (4 cụ ông và 3 cụ bà). Cụ Nguyễn Đức Hướng là người khai biên gia phả của họ Nguyễn Đức.
Đời thứ 5 sinh hạ được 8 cụ (5 cụ ông và 3 cụ bà), có 3 cụ ông có con nối dõi tông đường
Đời thứ 6 sinh hạ được 3 cụ ông.
Đời thứ 7 sinh hạ được 13 cụ (5 cụ ông và 8 cụ bà). Đây là lần đầu tiên họ Nguyễn Đức sinh hạ nhiều nhất, nhưng sau đó không biết vì lý do gì chỉ còn lại duy nhất một người đó là cụ Nguyễn Đức Huyên.
Chuyện kể rằng, cụ Huyên đã bỏ quê hương ra đi từ năm 14 tuổi, sau 15 năm cụ lại trở về quê hương, bà con thường gọi là Bộ Huyên.
Như vậy, qua 7 đời, từ thủy tổ đến đời cụ Huyên, dòng họ Nguyễn Đức tiếp nối nhau có 38 cụ (24 cụ ông và 12 cụ bà). Cụ Nguyễn Đức Huyên là người còn lại duy nhất sau 7 đời dòng họ Nguyễn Đức phát triển. Chính nhờ có cụ Huyên mà sau này dòng họ Nguyễn Đức phát triển mạnh mẽ và là người tạo nên các chi phái như ngày nay. Để nhớ công ơn của các cụ các hậu duệ những đời sau. Lấy ngày giỗ cụ (12/2 âm lịch hàng năm làm ngày thăm viếng tổ tông ông bà. Tổ tông của họ Nguyễn Đức là những cụ đã có công người khai khẩn ruộng đất, lam lũ làm ruộng để mưu sinh vừa phát huy truyền thống họ tộc, duy trì nòi giống ngày một dông đúc sum vầy.
Sau hàng chục, hàng trăm năm cơ cực lam lũ và qua cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, của Trịnh Nguyễn phân tranh, thì dòng họ Nguyễn Đức dần dần được phục hồi. Đến đời thứ 9 chỉ có 12 cụ (8 cụ ông và 4 cụ bà), đến đời thứ 10 đã có 39 cụ.
Các cụ đời thứ 9 và đời thứ 10 đông đúc hơn trước, các cụ đã có của ăn của để, nhiều cụ đã biết chữ, một số cụ đã có chức sắc trong thôn xóm được bà con quý mến như các cụ Nguyễn Đức Thắng, Nguyễn Đức Đại, Nguyễn Đức Ôn,…
Đời thứ 11, 12, 13, 14 và 15 của dòng họ Nguyễn Đức vào khoảng từ năm 1900 đến những năm 2000 gần tròn 1 thế kỷ này các thế hệ con cháu của dòng họ Nguyễn Đức được sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh chiến tranh liên miên. Sau 62 năm thực dân Pháp đô hộ (1883 – 1945). Toàn dân đã kháng chiến chống Pháp 8 năm (1945 – 1954). Nam Bắc tạm chia làm 2 miền. Cuộc kháng chiến chống Mỹ trên 20 năm. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trên 30 năm dòng họ Nguyễn Đức đã có hàng trăm con cháu lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc, lớp lớp con cháu trai tài gái đảm, dâu hiền rễ thảo đã đóng góp tài năng trí lực của mình vào việc bảo vệ tổ quốc và xây dựng đất nước. Cùng với lớp cán bộ kháng chiến chống Pháp đầu tiên có cụ Nguyễn Đức Sung là cán bộ tiền khởi nghĩa tham gia xây dựng du kích Võ Duy Hàm là cán bộ lảnh đạo của huyện Quảng Ninh từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Dòng họ Nguyễn Đức mãi mãi ghi công và biết ơn liệt sỹ Nguyễn Đức Nam, bác sỹ đã hy sinh anh dũng ở chiến trường miền Nam. Liệt sỹ Nguyễn Đức Thẻ là hậu duệ đời thứ 12 đã góp giọt máu đào vào việc bảo vệ tổ quốc trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Có thể nói cho đến đời thứ 12 và những đời sau này do yêu cầu phát triển kinh tế và xã hội ngày càng có nhiều con cháu của dòng họ được học tập và đào tạo hơn những thế hệ trước. Lớp con cháu đầu tiên có trình độ cử nhân của dòng họ là các ông: Nguyễn Đức Nghĩa- kỹ sư công nghiệp, Nguyễn Đức Hoàn- cử nhân sư phạm Toán Lý, Nguyễn Đức Nam, Nguyễn Đức Riêu- bác sỹ. Một điều rất đáng phấn khởi là tộc phả của họ Nguyễn Đức mới được phát hiện nơi lưu dữ và được cụ ông Nguyễn Đức Sung (1905-1989) hậu duệ đời thứ 10 của dòng họ đã dịch tộc phủ từ bản chữ Hán ra chữ Việt từ năm 1980 hiện nay đang lưu giữ lại nhà trưởng họ Nguyễn Đức Nghĩa.
Mở đầu bản tộc phả có ghi: “Từng nghe: Nước có trăm khe nghìn suối, khe suối ấy không phải tự nó mà có được. Cây có nghìn cành muôn lá, cây lá ấy không phải tự nó mà sinh ra. Bởi vậy cây có cội, nước phải có nguồn. Nhờ có cội cây mới đâm chồi nảy lộc. Nhờ có nguồn nước mới đổ suối tuôn khe. Ôi vật kia còn có nguồn gốc như vậy huống nữa là người. Khí thiêng sông núi chung đúc nên người con quế cháu lan nối dòng kế hậu đó không phải nhờ ông bà tích đức lụy tâm mà có hay sao”.
Cổ xưa nói: “Gốc rễ sâu thì cành lá tốt. Nguồn nước lớn thì khe suối dài. Nay được thấy con đàn cháu lũ sum vầy mà không biết sự thịnh vượng đó có bởi từ đâu khác nào thấy suối mà không biết đến nguồn. Thấy cành mà không biết đến cội. Đáng mừng thay họ Nguyễn Đức ta trời che đất chở, nhờ phúc ấm ông bà cưu mang đùm bọc, trên dưới thuận hòa đến nay trải có mười mấy đời thành một họ lớn có nhiều chi phái. Để ghi nhớ gốc tích ông bà , công ơn sinh dục nên kính cẩn ghi lại bản mục lục gia phả này để lưu lại cho con cháu đời đời về sau này”.
Thực hiện lời khai biên của tộc phả, kế thừa truyền thống của gia tộc. Ngẫm lại từ ngày thủy tổ dựng nghiệp đến nay trải hơn 500 năm thời gian bình yên chẳng được bao lâu mà nước nhà hầu như triền miên chìm đắm trong cảnh loạn lạc chiến tranh. Dân lành khắp nơi phải gánh chịu biết bao gian nan cơ cực. Ấy vậy mà ơn đức tổ tông dòng họ chúng ta tới nay đã phát triển đến 15 đời.
Đời sau lớn mạnh hơn đời trước con cháu ngày một đông đúc sum vầy. Cho đến nay (năm 2000) kể cả con trai, con gái, dâu rễ đã có đến 1.830 người. Tất cả các thế hệ con cháu đều quy tụ ở quê hương. Những con cháu đi xa quê hương cũng luôn hướng về nguồn cội nơi tổ tông ông bà đang yên nghỉ bên bờ sông Nhật Lệ, dưới chân núi Đầu Mâu hùng vỹ.
Từ khi kết thúc chiến tranh đến nay, dòng họ Nguyễn Đức quy hoạch mồ mã tổ tông xây lăng dòng họ Nguyễn Đức và các chi phái, đã tổ chức chu lễ ba đến năm năm một lần. Vào những ngày thiêng liêng ấy con cháu xa gần nội ngoại quây quần trước bàn thờ, lăng mộ của tổ tông ông bà vừa kính cẩn thắp những nén hương thơm tưởng niệm tổ tông ông bà, vừa luôn nhắc nhở nhau, động viên nhau giữ gìn và phát huy truyền thống đạo đức, giữ gìn nét đẹp của dòng họ Nguyễn Đức là chịu thương, chịu khó hiền lành và giản dị, tần tảo chắt chiu trong lao động, giữ gìn được đạo đức của dòng họ Nguyễn Đức là nặng tình cảm, giàu lòng thương trọng nhân nghĩa.
*
* *
Sau mấy chục năm chiến tranh và trải qua bao thăng trầm của lịch sử. Ngày nay sống trong hòa bình và phát triển kinh tế toàn dân ta nói chung, cũng như từng dòng họ nói riêng mới có điều kiện tìm hiểu về nguồn gốc tổ tiên. Đó là nét truyền thống văn hóa đẹp của nhân loại, đồng thời cũng là nguyện vọng tâm linh chân chính của mỗi chúng ta.
Tiếc thay do trải qua bao nhiêu thiên tai địch họa nên những tài liệu chứng cứ có thể giúp chúng ta hiểu hơn về cội nguồn, về lịch sử truyền thống của dòng họ vốn đã rất ít ỏi và còn bị thất lạc nên gây nhiều khó khăn khi tìm hiểu các tư liệu.
Tuy vậy dựa vào tộc phả còn lưu giữ được do cụ Nguyễn Đức Sung lược dịch. Qua những câu chuyện truyền thuyết và truyền miệng ở quê hương anh em chúng tôi gồm có: Nguyễn Đức Nghĩa, Nguyễn Đức Hoàn hậu duệ đời thứ 11 của họ Nguyễn Đức lược ghi lịch sử và truyền thống của họ Nguyễn Đức ở làng Trần Xá, xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Vì trình độ có hạn về tài liệu quá hạn chế nên chắc hơn việc biên soạn lược ghi lịch sử truyền thống của dòng họ còn nhiều thiếu sót. Chúng tôi cầu mong các ông, các bà và con cháu họ Nguyễn Đức tham gia đóng góp để bản lược ghi ngày càng đầy đủ và chính xác để lại cho con cháu mãi mãi về sau.

Trần Xá, ngày 12 tháng 2 năm Qúy Mùi
NHỮNG NGƯỜI BIÊN TẬP
Nguyễn Đức Nghĩa – Nguyễn Đức Hoàn
PHỤ TRÁCH BẢN IN
Nguyễn Thị Tố Uyên
 

NHỚ NGƯỜI CHIẾN SỸ NĂM XƯA

                           Nguyễn Mậu Trường
                           (Ghi chép theo lời kể của anh Nguyễn Đình Thi làng Trần Xá)

BÀI VIẾT VỀ NHỮNG NGƯỜI CON ƯU TÚ CỦA LÀNG - NGƯỜI CHIẾN SỸ THƯƠNG BINH NGUYỄN VĂN VĨNH
Anh Thi đặt tách trà xuống bàn rồi mỉm cười nói với tôi: Em nhớ ra rồi anh à. Hồi những năm 1979 đến 1983 khi em đang dạy học ở miền núi Hướng Hóa, Bình Trị Thiên nay thuộc tỉnh Quảng Trị, ba em thường mua rựa ở quê mình lên đó bán cho người dân tộc Vân Kiều để họ phát rẫy làm nương. Tuy vất vả nhưng vì kinh tế gia đình mà ông phải bươn chải mưu sinh như vậy nên em rất thương ba em.
Tôi nhắp ngụm trà rồi ôn tồn hỏi anh Thi: Anh nhớ năm 1976 về thăm quê lần đầu có mua một cây rựa đem vào Nam biếu ba vợ anh. Ông mang đi rừng, chẻ mây, tre khen rựa sắc bén quá trời. Anh nhớ mang máng cái lò rèn ấy nằm sau lưng nhà anh Kỳ anh con bác Khanh của anh phải không em.
Anh Thi sốt sắng: Ôi!!! Anh cũng nhớ cái lò rèn ông Rê đó hè… Anh Thi đằng hắng lấy giọng rồi kể cho tôi nghe: Ngày xưa có bốn anh em từ huyện Lệ Thủy về làng Trần Xá mình lập nghiệp mở lò rèn, đó là các ông Lê Ngộ ba của ông Minh ở sau nhà ông Đơ, đã mất lâu rồi. Ông Lê Đẳng ba anh Nguyên, Tòng, Tần, ông này không làm thợ rèn, ông Lê Xuân ở gần nhà ông Đệ, ông Rê ở sau nhà chị Thanh Kỳ. Ba ông này làm thợ rèn rất giỏi. Hiện giờ chỉ ông Lê Xuân còn sống.
Ngày nay ở làng Trần Xá nghề rèn cũng dần dần mai một, kể từ khi làng mình có nghề cơ khí hàn xì...v.v… xuất hiện cũng khoảng mười năm nay anh à. Thật công bằng mà nói, người dân làng mình thuở ấy cũng nhờ ba ông thợ rèn đó mà ngày xưa cung cấp cho bà con mình đủ các loại cày, cuốc, dao, rựa và liềm gặt lúa trong công việc nhà nông đó anh. Hiện nay chỉ có anh Lê Trung con ông Rê nối nghiệp, ở gần sau chổ đất ba của anh trước đây nhưng thỉnh thoảng làm một số dụng cụ thôi.
Tôi đặt tách trà xuống bàn rồi nhỏ nhẹ hỏi: Thi này, khi nãy em có nhắc đến ba em mua rựa lên bán cho đồng bào dân tộc trên Hướng Hóa, theo anh ngày trước có lẽ ông thuộc lớp đàn anh của ba anh. Với truyền thuống quật cường yêu nước thấm nhuần bao đời nay của người Trần Xá, anh nghĩ có lẽ ba em ngày xưa cũng như các trai làng thuở ấy đều tham gia cách mạng, lên chiến khu phải không? Em vui lòng kể cho anh nghe nhé!
Anh Thi cười hiền hòa: Thật ra ba em cũng như bao lớp trai tráng làng thuở ấy, lớn lên trong sự đô hộ của giặc Pháp. Nghe mấy ông bà cao tuổi trong làng kể lại hồi đó quân Pháp mỗi lần đi càn quét từ các làng Hữu Niên, Trung Quán càn về làng Trần Xá mình rất hung tợn, chúng cướp phá ruộng nương, phụ nữ, con gái thoát thân không kịp, bị chúng bắt hãm hiếp bầy đàn vô cùng man rợ, nhất là bọn lính Lê Dương đen nhẻm thì càng tàn bạo hơn với dân làng. Bao nhiêu hầm bí mật bị chúng phát hiện có Việt Minh đều bị chúng xả súng xuống hoặc ném lựu đạn làm hy sinh không biết bao nhiêu chiến sĩ Việt Minh…
Ngày xưa các làng ở Xã Hàm Ninh rất nghèo khổ, phần đông người dân là thành phần bần cố nông, đất đai canh tác đều nằm trong tay các tay địa chủ cường hào ác bá, dân làng chỉ đi làm thuê cuốc mướn cho họ mà cũng không đủ ăn. Ba em cũng sinh ra trong một gia đình bần cố nông như thế, được ông bà em đặt tên là Nguyễn Văn Vĩnh, đó là năm 1925. Lớn lên ông cũng đi giữ trâu thuê cho địa chủ, cũng từng bị họ đánh tơi bời do ham chơi với đám bạn giữ trâu cùng trang lứa trong làng nên để trâu ăn lúa. Lớn lên ông lại theo ba mạ đi làm thuê cuốc mướn phụ giúp gia đình.
Khi đến tuổi trưởng thành, nhận thức được sự tàn khốc, tủi nhục của người dân nô lệ, nên cùng nhau theo trai tráng tham gia các phong trào đấu tranh chống quan lại cùng mọi người yêu nước trong làng.
Đến năm 1944 được sự giáo dục giác ngộ của các anh chị, cô chú trong phong trào Việt Minh, ông đã tham gia Tổ hội Việt Minh để trực tiếp ôm súng chiến đấu chống giặc Pháp xâm lược.Tổ hội Việt Minh này sang lập căn cứ ở vùng Khe Chuối. Hàng đêm bơi về phía cuối làng để nắm tình hình địch và nhận lương thực do người dân cung cấp cho kháng chiến.
Do tích cực hoàn thành những nhiệm vụ được cấp trên giao phó cùng với sự nỗ lực phấn đấu cho Đảng và cách mạng nên vào năm 1949 ba em được kết nạp vào Đảng. Đó là phần thưởng vô cùng quý giá và xứng đáng có được cho sự đấu tranh không ngừng nghỉ, cống hiến trung thành cho cách mạng của ba em.
Năm 1948, ba em lấy vợ, người mà ba em yêu thương bấy lâu nay là mẹ em, tên Nguyễn Thị Môn, đến năm 1949 mẹ em sinh con gái đầu long với niềm hạnh phúc vô tả. Do bên nhà ông bà nội em không được rộng rãi nên bà ngoại em đã xin phép đưa mẹ em về ở nhà ngoại. Nhà bà ngoại gần Giếng Chùa nên là địa điểm rất thuận tiện cho ba tôi và Việt Minh về công tác hàng đêm.
Nghe mẹ em kể lại khi còn con gái chưa lấy chồng, bà cũng tham gia vào hội Phụ nữ cứu quốc và hằng đêm thường ra đình làng Trần xá. Đình làng cũ hồi ấy gần nhà ông Đổng, nhìn qua Cồn nổi làng mình đó anh. Các chị phụ nữ nhanh nhẹn băng bó cứu chữa thương binh từ các nơi đưa về.
Mẹ em khi vui miệng thường kể chuyện chiến đấu của dân làng Trần Xá chống giặc Pháp và bọn Việt gian phản động ôm chân đế quốc Pháp. Trong nhiều câu chuyện mẹ kể, em nhớ nhất câu chuyện thông minh của mẹ… Khoảng tháng 6 năm 1949 vào một đêm khuya, khi trong nhà chỉ có ba người phụ nữ và một cháu nhỏ đang ngủ thì nghe có bước chân đi ngoài đường sau đó vào nhà gõ cửa rồi cất tiếng kêu: “Dậy, dậy, tôi là Việt Minh về đây”. Bà dì nghe nói Việt Minh về thì mừng rỡ định ngồi dậy ra mở cửa, bà ngoại cũng lồm cồm ngồi dậy định đi xuống bếp pha nước chè. Mẹ tôi nhanh tay kéo dì và ngoại lại rồi xua tay lắc đầu ra hiệu dừng lại. Thế là hai bà nằm im xuống lại. Sở dĩ mẹ tôi làm vậy là vì nghe tiếng gõ cửa sai với mọi khi. Ám hiệu mà ba tôi và các cô chú Việt Minh mỗi lần về là gõ vào cửa ba cái sau đó cào cửa ba cái nữa thì mới đúng.
Sau khi ngoại và dì đã nằm yên xuống lúc đó mẹ em kêu lên thật to: Ối làng nước ơi !!! Đêm hôm ba mẹ con bà già đang ngủ mà có Việt Minh về réo gọi này …
Ba người nhất quyết không ra mở cửa, gõ cửa kêu gọi một lúc nhắm thấy không được bọn chúng bèn bỏ đi, mẹ em nghe bọn nó nói với nhau “Nhà này không phải Việt Minh”.
Từ sau vụ đó bà ngoại và dì luôn cảnh giác với chiêu trò của giặc, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Việt Minh về công tác trong làng.
Đến năm 1950 ba em được vinh dự đứng vào hàng ngũ bộ đội chính qui của quân đội trở thành bộ đội chủ lực tham gia nhiều trận đánh ở Cồn Dừa thuộc địa phận Hiền Ninh và hành quân khắp nhiều vùng miền khác. Sau đó ông được bổ sung vào Sư đoàn 162, vinh dự tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và được điều động lên chiến đấu ở Thượng Lào nhằm ngăn chặn quân Pháp đổ bộ từ Lào đánh về Điện Biên. Rất tiếc trong chiến dịch này đến khi chiến thắng Điện Biên thì ba em bị thương, ông được đưa về Thanh Hóa để chữa trị và điều dưỡng.
Cho đến đầu năm 1955 ông được xuất ngũ trở về địa phương, từ đó tám anh chị em lần lượt ra đời anh ạ.
Tôi cười to nói đùa với anh Thi: Ha ha… có lẽ về nhà ông “chiến đấu…” bù lại những năm xa vợ em hè.
Hai anh em phá lên cười khanh khách rất vui vẻ. Anh Thi lại nâng bình trà châm nước vào hai tách rồi kể tiếp. Dù trở về là thương binh sau bao năm chiến đấu nhưng ông có chịu ngồi yên đâu, hết làm chuyện này đến chuyện khác, hết chuyện gia đình lại tham gia chuyện xã hội.
Từ năm 1956 ba em được bầu vào Đảng ủy viên, làm phó chủ tịch Ủy ban hành chánh kiêm Trưởng Công an xã cho đến năm 1962. Tưởng ông về nghỉ để bảo đảm sức khỏe của người thương binh, nhưng không đến năm 1963 ông lại được sự tín nhiệm của các cấp lãnh đạo bố trí làm chủ nhiệm Xí nghiệp gạch ngói của thôn Trần Xá đóng tại đầu làng Hà Kiên hiện tại. Kể từ đó làng Trần Xá có thương hiệu Ngói Trần Xá để lợp nhà. Ngày nay nhiều căn nhà còn lưu lại những viên ngói Trần Xá trên mái nhà.
Những năm 1967 – 1969 giặc Mỹ điên cuồng đưa máy bay ra đánh phá miền Bắc, rất ác liệt. Hồi đó bộ đội, dân công vào Nam phải đi qua bến đò Trúc Ly theo đường trục từ Diên Trường lên Trần Xá sau đó qua đò sang Hiền Ninh. Vì vậy Bến đò Trần Xá rất đông khách và máy bay giặc Mỹ thường xuyên dội bom và như trước khi căn cứ còn bom cài trên máy bay là chúng trút hết xuống làng mình anh à. Đúng thời điểm đó ba em lại được công an huyện Quảng Ninh điều động về trực bến đò để điều hành hoạt động.
Kể đến đây anh Thi im lặng hồi lâu, nhìn về khoảng không mênh mông trước hiên nhà, như đang hồi tưởng về những tháng năm khốc liệt ấy. Tôi cũng lặng im tôn trọng khoảnh khắc ấy của Thi. Hai anh em im lặng hồi lâu trước khi Thi phá tan không khí đó: Uống nước đi anh kẻo nguội. Thi nâng tách trà đưa mắt về phía tôi mời mọc.
Khi Xã Hàm Ninh thành lập Hợp Tác Xã Hợp Nhất Trần - Hữu – Cung do ông Hoàng Đàm (nguyên Bí thư Huyện ủy về hưu làm chủ nhiệm), ba em lại được phân công nhiệm vụ Đội trưởng đội sản xuất. Trong nhiều năm sinh sống và công tác tại quê nhà ngoài chức vụ chính quyền, bên Đảng ông là Đảng ủy viên giữ chức vụ Bí thư chi bộ. Những năm về sau do tuổi cao, vết thương tái phát và gia đình đông con nên ông xin nghỉ tham gia các công việc chung để về chuyên chăm cho gia đình, làm kinh tế lo cho các con ăn học.
Ba em nghỉ hưu hưởng chế độ thương binh và chế độ hưu trí cán bộ xã. Trong quá trình tham gia cống hiến cho cách mạng, ông được nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng ba, Huy chương Chiến công hạng nhì và nhiều bằng khen khác của các cấp.
Khi đã luống tuổi ông vẫn thành lập nhóm bộ đội Sư đoàn 162, ở trong làng gồm có 16 người chiến sĩ còn sống để hàng năm tổ chức sinh hoạt giao lưu ôn lại những năm tháng chiến đấu gian lao mà anh dũng, cùng nhau khuây khỏa tuổi xế chiều của bộ đội cụ Hồ điển hình là các cựu chiến sĩ Sư đoàn 162 ở làng Trần Xá. Ông cũng cho may một lá cờ Tổ quốc có in dòng chữ QUYẾT THẮNG để khi các thành viên ra đi thì phủ lá quốc kỳ ấy lên quan tài để tỏ lòng tri ân chiến sĩ Sư đoàn 162.
Cả cuộc đời của ba em là người có trách nhiệm với vợ con gia đình, luôn hoàn thành những nhiệm vụ được cấp trên giao phó, sống chan hòa với bà con chòm xóm và giúp đỡ mọi người nên hầu như cả làng đều quý mến ông.
Vào một ngày cuối thu năm 2007 ông đã nhắm mắt xuôi tay về với tổ tiên ông bà, hưởng thọ 83 tuổi. Ông ra đi để lại bao niềm tiếc thương của con cháu và người dân làng Trần Xá.
Hai anh em ngồi im lặng hồi lâu, mỗi người chìm trong suy nghĩ riêng tư. Tôi lại nhớ ba tôi, người chiến sĩ tình báo quả cảm đơn thân một mình vào Nam sống trong lòng địch để gửi về Trung ương những tài liệu quý giá góp phần trong chiến thắng lịch sử 1975. Bác Hoàng Đàm, bác Nguyễn Văn Vĩnh và bao nhiêu bác chiến sĩ năm xưa của làng ta đã cống hiến tuổi thanh xuân cho Đảng, cho cách mạng để có được đất nước hòa bình giàu mạnh như hôm nay.
Anh Thi phá bầu không khi im lặng bằng cách rủ rê chiều ni hai anh em mình ra quán dưới sông làm lai rai vài lon bia anh hè. Tôi cũng vui vẻ hứa chiều đi nhậu cho vui, nhưng chiều đó chú út nói tôi chở chú đi Đồng Hới có công việc gia đình nên tôi đành khất lại với anh Thi hôm khác.
Ấy thế mà cho đến hôm nay trở về Đà Lạt tôi vẫn còn dang dở một lời hứa vui vẻ lai rai bia bọt với anh Thi, người thầy giáo có duyên nợ với thi ca…
                                 Đà lạt, những ngày mùa đông.
                                          26/12/2023
 

CHỊ TÔI

Tròn 50 năm chị ra đi mãi mãi!
Chị ơi! Quê nhà đang đổi thay. Làng xóm hoang tàn ngày xưa nay hoàn toàn đổi mới.

ĐÌNH TRẦN XÁ, NƠI TRI ÂN CÁC LIỆT SỸ CỦA LÀNG

Một làng quê thanh bình, thơ mộng nằm ở ngã ba sông Kiến Giang, Đại Giang hợp long về dòng Nhật Lệ: Làng Trần Xá thân yêu.

LÒNG VÀNG

Kính tặng ông bà Nguyễn Đức Nghĩa (Trưởng Họ Nguyễn Đức) đã ủng hộ tăng âm nhạc cụ và bộ đồ phục vụ cho đám tang của Làng Trần Xá.